Truyện kể Hâykê – Cuốn 1 – Chương I

CUỐN MỘT


“Những bông hoa héo tàn của những cây bồ đề… đã làm chứng cho một chân lý”

(trích Cuốn 1, chương 1, trang 45)

CHƯƠNG I
Đền Ghiôn

Chuông Đền Ghiôn (1) rung lên ngân trong trái tim của mỗi người luôn nhắc ta rằng cuộc đời tất cả chỉ là phù du (2). Những bông hoa héo tàn của những cây bồ đề (3) đặt bên chiếc giường nơi đức Phật nhập Niết bàn đã làm nhân chứng cho một chân lý: đời có thịnh, ắt có suy. Quả vậy, niềm kiêu hãnh cũng có ngày tàn, bởi vì nó chỉ thoảng qua như giấc mộng đêm xuân. Người dũng cảm, kẻ kiêu hùng, rồi cuối cùng cũng về với cát bụi.

Xem lại các triều đại Trung Quốc ngày xưa, chúng ta thấy các nhân vật như Triệu Cao (4) đời Tần, Vương Mãng (5) đời Hán, Chi Nghị (6) đời Lương và An Lộc Sơn (7) đời Đường. Những người này đều sớm tiêu tan sự nghiệp vì đã sa vào lưới ăn chơi sa đọa và không đi theo bước chân của các bậc tiền bối. Họ đã xao nhãng những lễ nghi truyền thống và phép trị nước bằng luân lý đạo đức, không đếm xỉa gì đến tình trạng bất yên ngày càng tăng trong nước cũng như những mối lo âu của dân chúng.

Trở lại nước ta, chúng ta thấy có Maxakađô (8) đời Sôhây, Xumitômô (9) đời Tênghiô, Yôsichika (10) đời Kôoa, và Nôbuyôri (11) đời Hâygi. Tất cả bọn họ mỗi người mỗi kiểu đều kiêu hùng, dũng cảm. Nhưng trên tất cả những người này, gần đây là lãnh chúa Kiyômôri của dòng họ Taira, được gọi là Nhập đạo của Rôcưhara, là tể tướng và là cận thần của Hoàng đế, thật không có bút nào tả xiết được thói kiêu ngạo vô tiền khoáng hậu của ông.

Về lai lịch gốc gác, ông là người thừa kế tước vị quan cận thần của Hoàng đế, nguyên soái đại lãnh chúa Tađamôri, là cháu nội của Maxamôri, tuần phủ tỉnh Xanưki. Còn Maxamôri là dòng dõi 9 đời của ông hoàng mang dòng máu Kazưrahara, giữ chức quan thị thần lo việc lễ nghi và đứng hàng thứ 5 trong số những người kế ngôi Hoàng đế Kammu. Con trai của ông hoàng Kazưrahara, hoàng thân Takami, sống ở xa triều đình và khi chết không có một chức tước nào. Bởi vậy con trai của Takami là ông hoàng Takamachi chấp nhận làm dân thường. Ông được đặt lại lại họ của mình là Taira và được cử làm quan cai trị vùng Kazưxa. Con trai của ông là Yôsimôchi đã làm tổng binh ở nhiều tỉnh, từ đó cũng đổi tên là Kưnika, và sáu đời tiếp theo, từ Kưnika đến Maxamôri, tất cả đều làm tuần phủ. Tên tuổi của họ không nằm trog danh sách những người được vào chầu cung vua.

Chú thích

1. Đền Ghiôn là tu viện Giêtavana, do một người giàu có tên Anathapindaka xây dựng ở Xravaxti, Ấn Độ, để tưởng nhớ Phật Thích Ca.

2. Đoạn cuối trích từ một đoạn kinh Phật, là câu thơ tứ tuyệt:

Kiếp người tất cả chỉ phù du bèo bọt

Thuyết luân hồi quy luật hóa sinh

Khỏi kiếp luân hồi ai siêu thoát

Hạnh phúc phiêu diêu cõi Niết Bàn

Theo cuốn sách Phật Ghiôn Zukyô, có một gian nhà gọi là Vô thường, dành cho các nhà sư ốm yếu bệnh tật ở. Bốn góc phòng treo bốn cái chuông và khi có nhà sư nào sắp tịch thì bốn cái chuông lại rung vang lên bốn câu thơ trên. Có nghĩa là lúc đó, những nhà sư sắp chết có thể sẽ quên hết những nỗi đau khổ của trần thế để đi vào cõi Niết Bàn.

3. Kinh Niết bàn đã mô tả chi tiết chảnh đức Phật nhập Niết bàn: Giường của Phật làm bằng bảy loại đá quý, mỗi góc đặt hai cây bồ đề. Tán của tám cây đều rủ vào giữa giường và khi Phật nhập Niết bàn thì lá cây chuyển sang màu trắng.

4. Một viên hoạn quan thần thế phò tá hai đời hoàng đế thứ nhất và thứ hai nhà Tần (221-207 Trước công nguyên), sau đó truất ngôi của hoàng đế đời thứ hai, gây ra cảnh hỗn loạn trong nước. Triệu Cao lại bị đời hoàng đế thứ ba nhà Tần giết chết.

5. Giết vua Lưu Bang nhà Hán để cướp ngôi vào năm 8 sau Công nguyên và lập nên triều đạo nhà Tần (*)

6. Một cận thần có thế lực đời Vũ đế, triều Lương (316-436 sau Công nguyên).

7. Khởi nghĩa chống vua Huyền Tông, đời Đường (618-907 sau Công nguyên).

8. Nổi dậy ở Đông Nhật Bản năm 935 và tàn sát giới quý tộc, quan lại ở kinh đô.

9. Xấp xỉ cùng thời gian với Maxakađô, Xumitômô khởi nghĩa ở bờ biến phía Tây Nhật Bản

10. Ngường con thứ hai của Yôsiyê, dòng Minamôtô, có ảnh hưởng lớn ở Kyusyu. Vì không phục tùng chính quyền trung ương, bị đày đi Ôki. Nhưng đã trốn thoát và nổi loạn ở tỉnh Izumô. Bị Maxamôri đòng Taira đánh bại năm 1105.

11. Xúi giục dòng họ Hâygi khởi nghĩa năm 1159.

12. Nhập đạo là tên gọi người cư sĩ đạo Phật.

13. Một vùng nằm ở phía đông nam Kyôtô, nơi dòng họ Hâykê đặt các cung điện chỉ huy của mình.

14. Hoàng đế thứ 50, Kammu (781-806) lập đô ở Kyôtô năm 794. Kinh đô mới này xây theo kiểu kinh đô Tràng An của nhà Đường ở Trung Hoa. Từ thời đó đến thời Minh Trị duy tân năm 1868, Kyôtô là nơi ở của các hoàng đế Nhật.

(*) Chú thích của người dịch bản tiếng Việt: Chỗ này có lẽ người dịch bản tiếng Anh chú thích sai.

3 thoughts on “Truyện kể Hâykê – Cuốn 1 – Chương I

    • M chỉ có sách in thôi b ạ, bản type tr mới đc tập 1, m quá bận ko type tiếp được

Leave a comment