Truyện kể Hâykê – Lời tựa của người dịch

LỜI TỰA CỦA NGƯỜI DỊCH

(từ bản tiếng Nhật sang tiếng Anh)

Truyện kể Hâykê là một trong những tác phẩm văn xuôi cổ điển lớn nhất của văn học Nhật Bản và được coi là lớn thứ hai, chỉ đứng sau Truyện kể Ghêngi. Tuy nhiên đặc điểm của hai cuốn này hoàn toàn khác nhau. Truyện kể Ghêngi là một cuốn tiểu thuyết được viết ra vào đầu thế kỷ 11, tác giả là một nữ quan triều đình, bà Muraxaki Sikibu (978-1016), trên cơ sở những điều đã trải qua trong triều Hayan (791-1185), bà đã sáng tác một tác phẩm hư cấu trữ tình. Truyện kể Hâykê thì ngược lại, là một bản hùng ca của thế kỷ 13, dựa trên những sự kiện lịch sử có thật. Đây là một tác phẩn do nam giới soạn ra và được các nhà sư mù kể lại trong khi hát rong và đệm bằng những điệu nhạc của cây đàn tì bà (1). Các nhà sư mù chơi đàn tì bà đã đi lang thang khắp các nẻo đường đất nước kể lại chuyện này ở mọi nơi, trong phố xá, nơi chùa chiền, đền thờ miếu mạo, hoặc bất cứ nơi nào có khán giả. Truyện kể Hâykê là một tác phẩm truyền miệng được đánh giá thông qua chất lượng âm nhạc, tác động có tính chất kịch, và những lời giáo huấn của đức Phật. Truyền thống văn truyền miệng này được tiếp nối cho tới cuối thời kỳ Êđô (1600-1868) và nó tự biến mất trước dòng thác của nền văn minh hiện đại.

Cơ sở lịch sử của câu chuyện

Những cuộc chiến tranh giữa hai dòng họ Ghêngi và Hâykê vào nửa cuối thế kỷ 12 đã đánh dấu một chương cách mạng về nghệ thuật sân khấu trong lịch sử Nhật Bản. [(1) Thứ đàn bốn hoặc năm dây này được truyền từ Ba Tư qua Trung Quốc và Triều Tiên vào Nhật Bản. Một trong những chiếc đàn tỳ bà cổ nhất được giữ ở điện Sôxô, nhà kho của hoàng gia ở Nara, có hình con lạc đà.] Đó là một thời kỳ hỗn loạn khi mà các ông vua trị vì đất nước chỉ là những kẻ bù nhìn. Từ thế kỷ 8, quyền cai trị thực sự nằm trong tay các triều thần thuộc dòng họ Fugiwara. Địa vị chính trị cao mà họ khôn khéo đạt được là bằng cách gả con gái của dòng họ mình cho những người thuộc hoàng tộc. Quyền lực của dòng họ Fugiwara tuy nhiên vẫn phải dựa vào sức mạnh kinh tế của những của cải mà họ có được trong cả nước. Khi mà ảnh hưởng của họ ở các tỉnh yếu dần đi thì sự vinh hiển của họ cũng dần phai nhạt. Để thiết lập lại quyền lực, họ đưa quân ra trấn giữ những vùng này. Cánh quân sự làm phó cho các viên quan cai trị địa phương và bắt đầu xuất hiện một lớp quý tộc cấp tỉnh trong thế kỷ 10.

Một số nhà quân sự trên thực tế xuất thân từ dòng dõi quyền quý, đã tuyên bố rằng họ vốn thuộc dòng dõi các đời vua. Kế quả là số lượng các hoàng thân tăng lên không ngừng, cho nên ngân quỹ quốc gia khó có thể chịu được gánh nặng này. Để tìm ra cách gỡ, các vị hoàng thân được trao các chức vụ cai trị cấp tỉnh và đặt lại tên của dòng họ, ví dụ như Minamôtô hoặc Taira (hay từ này đọc theo âm Hán là “Ghêngi” và “Hâykê”). Hai dòng họ Ghêngi và Hâykê đã trở thành những cánh quân thực sự hùng mạnh và có vai trò quan trọng ngày càng tăng trong chính phủ trung ương, dòng họ Ghêngi thì liên kết với gia đình Fugiwara, còn dòng họ Hâykê thì đi với các hoàng đế đã thoái vị.

Với việc chính quyền trung ương đang trong tình trạng lộn xộn, và nhằm ngăn cản việc thống trị của gia đình Fugiwara, hoàng đế Sirakawa (1053-1129), sau khi thoái vị năm 1086, đã biến cung điện của mình thành một trung tâm quyền lực thực sự, bất chấp là hoàng đế Hôrikawa vẫn còn đang trị vì. Tiền lệ này do Sirakawa đặt ra đã được các vị vua sau đó tiếp tục, Tôba (1103-1156) và Gô-Sirakawa (1127-1192). Nhằm liên kết với các thế lực tăng lữ hùng mạnh để được Phật tổ phù hộ cho nhiều hơn, những vị vua này sau khi thoái vị đã khoác áo nhà sư và trở thành các Tọa quan Thượng hoàng. Chế độ cai trị hai cực này đã gây ra sự tranh cãi bên trong hoàng tộc giữa hoàng đế đương nhiệm và hoàng đế đã thoái vị. Vào thế kỷ 12, ba thế lực nắm giữ ruộng đất – gia đình hoàng tộc, gia đình Fugiwara và các giới tăng lữ – đã sa vào các cuộc đụng độ về lợi ích. Đó là thời điểm để cánh quân sự nổi lên. Vào lúc đó, Kiyômôri, tộc trưởng của Hâykê từ năm 1153 tới 1181, đã xuất hiện nổi bật nhất.

Năm 1150, cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa hoàng đế đã thoái vị Xutôku và hoàng đế đang trị vì là Go-Sirakawa đã kết thúc bằng cuộc loạn Hôghên, và tạo chỗ đứng cho Kiyômôri can thiệp vũ trang vào các công việc triều đình, có lợi cho hoàng đế Gô-Sirakawa. Kiyômôri và Gô-Sirakawa đã thắng. Bên bại trận là Tamêyôsi của dòng họ Ghêngi, ông này đã bị xử tử hình sau cuộc loạn, do đó quyền lực của dòng họ Ghêngi bị giảm đi rất nhiều trong triều đình. Trong cuộc loạn này, con trai của Tamêyôsi là Yôsitômô là người duy nhất trong dòng họ Ghêngi đứng về phía Kiyômôri. Khi đất nước thanh bình, y không hài lòng về mức thưởng không tương xứng với công lao của mình. Năm 1159, Yôsitômô đã nổi loạn, gọi là cuộc loạn Hâygi, để chống lại Kiyômôri. Kiyômôri lại toàn thắng, và giành toàn bộ quyền hành trong triều đình Gô-Sirakawa, người này đã thoái vị nhường ngôi cho Nigiô năm 1158 và trở thành Tọa quan Thượng hoàng năm 1169. Bước tiến nhanh của Kiyômôri tới quyền lực, được mô tả trong những chương đầu của Truyện kể Hâykê, thật là sửng sốt.

Kiyômôri là người đầu tiên của giới võ sĩ đạo thành đạt về quyền lực. Giống như những nhà quý tộc của gia đình Fugiwara, ông tìm cách tăng uy thế và vinh hiển của gia đình bằng cách chiếm những vị trí cao tròng triều đình và gả các con gái cho gia đình hoàng tộc và gia đình Fugiwara. Ông trở thành Tể tướng và các con trở thành các quan thượng thư, mười sáu người thân tộc trở thành những nhà quý tộc cấp cao, ba mươi người trở thành các quan chức triều đình và rất nhiều người khác được cử cai trị các tỉnh và cầm đầu các đội thị vệ. Vinh quang của ông đạt tới tột đỉnh năm 1178, khi mà cháu ông, cậu bé Antôku được đưa lên ngôi vua.

Năm 1180, ngọn cờ chống đối đầu tiên chống lại dòng họ Hâykê đã được Yôrimaxa, một tướng cũ của dòng họ Ghêngi, giương lên. Mặc dù cuộc nổi dậy chưa chín muồi này không thành công, nhưng sự dũng cảm của Yôrimaxa đã khích lệ nhiều chiến tướng khác của dòng họ Ghêngi tổ chức lại lực lượng của mình ở những tỉnh phía đông Nhật Bản. Năm 1181, khi Kiyômôri chết, dòng họ Hâykê càng lâm vào thế phòng thủ trước dòng họ Ghêngi, và năm 1183, dòng họ Hâykê buộc phải từ bỏ Kyôtô (là kinh đô và là nơi đóng các sở chỉ huy của họ) và chạy về các tỉnh phía tây. Năm 1185, tại trận Đan-nô-u-ra, dòng họ Hâykê chấm dứt thời vàng son của mình.

Những chủ đề của Truyện kể Hâykê

Truyện kể Hâykê nói về một giai đoạn chín mươi năm từ 1131 tới 1221. Tuy vậy, nó tập trung chủ yếu vào giai đoạn mười tám năm, từ khi Kiyômôri đảm nhận chực vụ tể tương năm 1167, cho tới lúc các lực lượng của gia đình Hâykê bị tan rã tại trận chiến Đan-nô-u-ra.

Bố cục của truyện này hài hòa như một bản giao hưởng, bởi lời mở đầu (Cuốn 1, chương I, dòng 1 – 25) là khúc dạo đầu và lời bạc là khúc kết. Mặc dù bố cục cân đối, lời mở đầu và lời bạt có tương ứng với nhau, song chương kết của Cuốn 12 đã được đưa ra mà không có một kết luận dứt khoát. Cách làm trên là do sự hiểu biết có tính chất triết học và ảnh hưởng của đạo Phật đối với tác phẩm, còn cách dưới là do bắt nguồn từ sự diễn tả có tính chất lịch sử và hùng ca.

Bản dịch này coi lời bạt là một phần riêng, bởi lẽ nó không có vai trò nào khác hơn là kết thúc tác phẩm bằng một lời kết cao siêu bằng âm nhạc. Tiếng Nhật dùng trong lời bạt là Quan Thỉnh, tên một cuộc lễ, để cho phép một nhà sư được dạy những học thuyết cao siêu nhất (Cuốn 2, Chương XII). Lễ này được tổ chưucs cho các nhà sư chơi đàn tỳ bà sau khi họ đã hết sức thành thạo 188 chương của Truyện kể Hâykê, được một vị trưởng sư cho vinh dự đọc 11 chương đặc biệt; những chương này bao gồm cả lời mở đầu và lời bạt. Tuy nhiên trong tất cả các chương; thì những chương của lời bạt là quý nhất, và chỉ có thể giao cho những nhà sư chơi đàn tỳ bà nào có tài năng xuất chúng đọc mà thôi.

Phần chính của truyện được sắp xếp theo trật tự niên đại: tất cả các cuốn, trừ Cuốn 1 và Cuốn 12, đều được bắt đầu bằng ngày, tháng. Do kỹ thuật sắp xếp này, các sự kiện của Truyện kể Hâykê gắn bó với nhau chặt chẽ, song người đọc lại có thể gặp khó khăn trong việc theo dõi những nhân vật chính. Có lẽ không cần phải có sợi chỉ xuyên suốt trong truyện, bởi vì ngay cả những nhân vật quan trọng như Kiyômôri, Yôsinaka và Yôsichưnê cũng chỉ xuất hiện khi có liên quan tới những sự kiến lớn mà thôi.

Tác giả của truyện này hình như rất quan tâm tới số phận của dòng họ Hâykê. Thế nhưng Kiyômôri thì lại không để ý tới điều đó, trong khi con trai lớn của ông, Sighêmôri, có khả năng là đã nhận ra điều này. Kiyômôri ở đỉnh cao của danh vọng và quyền lực, đã ngạo mạn tới nỗi không nhìn thấy được cái thảm họa sẽ đổ lên đầu gia đình mình. Thật mỉa mai là, cái ngày tận số mà Sighêmôri đã tiên đoán được, thì lại được con và cháu của ông là Kôrêmôri và Rôkưđai chấp nhận, biết vậy mà họ vẫn cứ tiếp tục đi tới ngày sụp đổ của mình. Số phận nhà Hâykê là chủ đề chính của truyện này.

Tômômôri, em trai của Sighêmôri, cũng đã tiên đoán được. Mặc dù là một nhân vật thứ yếu, ông lại gắn rất chặt với chủ đề chính. Cả Sighêmôri lẫn Tômômôri đều nhận thức được số phận không tránh khỏi của gia đình mình. Tuy nhiên, Sighêmôri thì sẵn sàng phục tùng số mệnh, còn Tômômôri, là một chiến binh dũng cảm, thì chống tới cùng, cho tới trận Đan-nô-u-ra, ông nói rằng: “Đến bây giờ thì chẳng còn gì trên đời này mà ta không biết. Hãy cho ta kết thúc cuộc đời ở đây” (Cuốn 11, Chương XI). Đây là một câu nói khúc chiết và gây ấn tượng mạnh mặc dù Tômômôri không nói rõ là ông đã biết những gì. Tuy nhiên có thể đó là một sự chuyển tiếp từ một xã hội quý tộc sang một xã hội do các võ sĩ trị vì, hoặc giả là những bước thăng trầm bi thảm và hài hước của sự chuyển tiếp, hoặc là số phận đã quy định cho dòng họ Hâykê, hoặc giả đó là sự chấp nhận và phục tùng cuối cùng của ông đối với số phận ấy. Những điều mà ông biết là những điều mà toàn bộ truyện này có ý định nói tới.

Từ đỉnh cao của niềm vinh quang, người em rể của Kiyômôri đã ngạo nghễ tuyên bố: “Nếu ai không phải là người của dòng họ Hâykê thì người đó không phải là con người” (Cuốn 1, Chương IV). Bất chấp lời huênh hoang đó, dòng họ Hâykê vẫn cứ gặp phải một loạt thất bại ê chề. Những con sóng của ngọn triều xuống đã cuốn họ đi không thương tiếc tới nơi thảm họa. Bởi vậy, truyện này có thể được coi là một khúc bi tráng; thất bại đã được tiếng chuông chùa khua rung trong phần giáo đầu, tiên đoán, và được tiếng chuông chùa trong phần kết xót thương.

Chủ đề thứ hai là việc xuất hiện một giai cấp mới. Truyện này đã mô tả các võ sĩ dòng họ Ghêngi hoàn toàn khác với những quan chức của dòng họ Hâykê. Điển hình nhất trong các võ sĩ này là Yôsinaka, nổi tiếng về lòng can đảm và quyết tâm. Truyện này đã mô tả một cách sinh động lòng dũng cảm của ông và tạo ra một trong những đoạn hài hước hiếm có của câu truyện. Sau khi thắng Tọa quan Thượng hoàng Gô-Sirakawa một trận (Cuốn 8, Chương XI), Yôsinaka tuyên bố: : ”Nếu ta muốn, ta có thể trở thành hoàng đế hoặc Toạn quan Thượng hoàng. Thế những, làm hoàng đế thì ta phải thay đổi kiểu tóc thành kiểu trẻ con. Như thế thì ta không thích. Nếu làm Tọa quan Thượng hoàng thì ta lại phải gọt trọc đầu như hòa thượng. Điều đó thì ta lại ghét. Thế thì thử hỏi trở thành hoàng đế hay Tọa quan Thượng hoàng làm cái gì?”. Không để ý tới truyền thống và quyền lực, Yôsinaka là mẫu mực của các võ sĩ ở các tỉnh, vượt ra ngoài những quy định xã giao của xã hội triều đình.

Các võ sĩ dòng họ Ghêngi mà Yôsichưnê là mẫu mực, đại diện cho một giai cấp mới. Đó là những mối quan hệ dễ gây xúc động mạnh mẽ, gắn bó Yôsichưnê với những người dưới quyền ông và sau này trở thành cơ sở cho những nguyên tắc đối xử giữa các võ sĩ đạo.

Cuộc chiến giữa Môritôsi của dòng họ Hâykê, với Nôrichưna của dòng họ Ghêngi ở Ichi-nô-tani (cuốn 9, Chương XIII), cho thấy rằng luật võ sĩ đạo vẫn còn phát triển cho tới thời kỳ của Truyện kể Hâykê. Đối với một người lính ở tỉnh như Nôrichưna để được mọi người kính trọng, thì việc giết một đối phương ghê gớm và cắt được thủ cấp của hắn là rất quan trọng: cái đầu lâu ấy bảo đảm cho anh ta nhận được sự ngưỡng mộ không cùng. Nôrichưna không có ý thức hổ thẹn trọng việc lừa Môritôsi bằng một cái mẹo vặt, đó là giả vờ thân thiện với đối thủ rồi ra tay giết hắn.

Khi dòng họ Hâykê bỏ chạy về Kiusiu, hy vọng được tăng viện từ những người thân thuộc mà họ đã có quan hệ tốt đẹp, thì họ nhận ra rằng bạn đã biến thành thù (Cuốn 8, Chương IV). Bungô, một lãnh tụ địa phương đã từ chối không đáp lại những mệnh lệnh của dòng họ Hâykê, với lời bình như sau: “Thời xưa là thời xưa, còn thời nay là thời nay”.

Người ta đọc thấy chỗ này hoặc chỗ khác trong Truyện kể Hâykê cuộc đụng độ giữa chuẩn mực đạo đức cũ và mới. Mặc dù Kiyômôri là người đầu tiên trong giới võ sĩ đạo kiểm soát được chính quyền, nhưng ông đã dẫn dắt bộ tộc mình tới sự đổ vỡ, do việc liên kết gia đình mình với giai cấp quý tộc đang suy đồi. Trong truyện, ông bị coi là người đã xúc phạm tới luật của triều đình, cũng như của nhà Phật, mặc dù ông luôn coi mình là bầy tôi trung thành của triều đình và là một tín đồ Phật giáo ngoan đạo. Dòng họ Hâykê là dòng họ quý tộc triều đình cuối cùng, trong khi dòng họ Ghêngi là những người lãnh đạo của một giai cấp mới, võ sĩ đạo, những người hăm hở tìm kiếm một trật tự mới.

Thuyết A-di-đà

Cùng với việc trỗi dậy của một giai cấp mới, xuất hiện một nhu cầu cần có một tôn giáo quần chúng hơn nữa. Những giáo phái lớn lâu nay gắn bó với chính quyền triều đình và giai cấp quý tộc. Các chùa chiền ngày càng giầu có lên nhờ có thêm nhiều đất canh điền, và để bảo vệ của cải, họ tổ chức đội quân tăng lữ riêng của mình. Các giáo phái được tổ chức thành những thực thể hành chính riêng biệt, với những cơ cấu thứ bậc nghiêm ngặt. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà sư đã từ bỏ những trật tự tăng lữ đã được thiết lập từ trước. Một số người làm ẩn sĩ, những người khác đi vào dân chúng để truyền đạo. Trong số những nhà sư này, người xuất sắc nhất là Hônên (1135 – 1231), người sáng lập phái Tịnh Độ, năm 1175 ông đã bắt đầu truyền giảng một con đường đơn giản hơn cho sự giải thoát.

Nguyên lý của giáo phái mới thành lập của ông là: người ta có thể trở thành Phật bằng việc tái sinh trong cõi Tịnh Độ của Phật A-di-đà. Thuyết này đầu tiên được các triết gia Ấn Độ đề xướng trong thế kỷ 2 hoặc 3 và được các nhà sư Trung Quốc hệ thống hóa lại trong thế kỷ 7. Ở Nhật Bản trong khoảng thời gian vài trăm năm, thuyết này đã được đúc kết lại cho tinh hơn.

Lịch sử tóm tắt của thuyết A-di-đà có thể trình bày sơ qua như sau: Ngày xửa ngày xưa, có một ông vua Ấn Độ đã từ bỏ ngôi báu và cắt tóc đi tu, lấy pháp danh là Đàm Ma Ca. Từ đó ông đã phát ra một loại bốn mươi tám điều nguyện, nguyện rằng ông sẽ phối hợp tất cả những cái tinh túy nhất của cõi Phật để tạo ra cõi Tịnh Độ của mình. Trong điều nguyện thứ 18, Đàm Ma Ca hứa sẽ đưa tất cả những người chết về cõi Tịnh Độ nếu họ tỏ lòng tin và cầu nguyện ông. Sau khi đã phát nguyện, ông trở lại sống khổ hạnh và đã làm được vô vàn việc tốt, cho tới khi cuối cùng ông đạt thành chính quả và trở thành Phật A-di-đà. Điều nguyện của ông do đó đã được hoàn thành. Cõi Tịnh Độ của ông đã được thiết lập ở phía Tây, ở một nơi nào đó bên ngoài cõi đời này.

Hônên, lúc đầu là một người theo đạo Phật chính thống ở chùa Ênryakư trên núi Hiây đã đi tới kết luận là con người trong “những ngày cuối cùng của cõi đời này” chỉ có thể được giải thoát nếu biết tin vào những lời giáo huấn của Kinh A-di-đà. Muốn được giải thoát, không cứ phải hiểu biết sâu sắc những lời dạy của Phật, mà chính là phải tin. Kinh A-di-đà nói rằng, những kẻ xấu cũng có thể được giải thoát. Thậm chí những người ngu muội, nếu có đức tin mãnh liệt, còn dễ được giải thoát hơn là những người thông thái mà tỏ ra nghi ngờ. Muốn được giải thoát, thì phải niệm Phật Nam mô A-di-đà Phật. Đạo Phật của Hônên không đòi hỏi phải có chùa chiền, sư sãi hay lễ bái gì, do đó được rất nhiều người trong quần chúng nhân dân theo.

Ảnh hưởng của đạo Phật

Thuyết nghiệp chướng của triết lý đạo Phật quán xuyến trong suốt Truyện kể Hâykê này. Việc sụp đổ của dòng họ Hâykê được coi như sự trừng phạt những việc xấu xa của Kiyômôri. Cách nhìn nhận cuộc đời của Phật giáo cũng được nhấn mạnh trong cả lời mở đầu cũng như lời bạt. Tuy nhiên, ta sẽ lầm nếu như cho rằng Truyện kể Hâykê là tác phẩm có ý định truyền bá đạo Phật.

Về vấn đề này, nhà phê bình nổi tiếng Kôbayasi Hiđêô đã trình bày quan điểm độc đáo của ông về truyện Hâykê: “Giai điệu buồn bã ngọt ngào của Truyện kể Hâykê là một cách diễn đạt làm cho người đọc bối rối. Sẽ thích hợp hơn nếu coi Truyện kể Hâykê là một dải âm thanh giao hưởng sôi nổi trong một dàn đồng ca nhỏ hơn. Cái kiểu buồn bã ngọt ngào này không bắt nguồn từ đạo Phật, mà là sự “tinh khiết” đáng kinh ngạc của đặc tính anh hùng ca. Về thi hứng của những người soạn ra truyện này, những người không phải là những kẻ chán đời, cũng không phải là những người bi quan, thì đạo Phật chẳng qua chỉ là một cái khuôn mẫu để dựa vào đó mà sáng tác (2)

Kôbayasi không thấy trong truyện này những người quá tinh vi, được nặn ra một cách giả tạo. Cái mà ông nhìn thấy là những người trong sáng và sống thật với máu, mồ hôi, nước mắt và nụ cười của họ. Những bắp thịt nổi cuồn cuộn và những con ngựa tung vó trong ánh mặt trời chói lóa. Đối với ông, các võ sĩ là những người hành động, họ không bận tâm với những phúc tạp về tâm lý như những người hiện đại. Sự phân tích của ông về Truyện kể Hâykê không có tính chất học thuật, nhưng trực tiếp và theo cảm giác. Ông quy cái “giai điệu buồn bã ngọt ngào” của truyện vào những quy luật của thiên nhiên, những quy luật chi phối tất cả những người bình thường. Theo ông, đạo Phật là một trong những nguyên tắc đạo đức ngự trị thời đại mà cốt truyện này được thảo ra. Cần phải ghi nhận rằng đạo Phật được trình bày ở đây không phải là đạo Phật lý thuyết, mà là đạo Phật thực hành, qua những lời nói và hành động của những người xuất hiện trong tác phẩm.

Khái niệm về tính phù du trong đoạn mở đầu không phải là ảnh hưởng duy nhất của đạo Phật đối với tác phẩm. Bởi lẽ đoạn mở đầu được dừng lại với việc lên án thói nghênh ngang của Kiyômôri, con mắt phê phán của tác giả đã nhìn thẳng vào dục vọng và thói tham lam vô độ của Kiyômôri. Theo đạo Phật, những cái này là nguồn gốc của đau thương. Những ai không chịu thức tỉnh trước sự thật cay đắng này, thì sau khi chết sẽ phải xuống địa ngục. Tuy nhiên, những người trong gia đình Hâykê đã nhìn thấy trước những đòn tra tấn khủng khiếp dưới địa ngục trong khi họ vẫn còn đang sống.

Những kẻ âm mưu lật đổ ở Sisi-nô-iani cũng bị thôi thúc bởi những dọc vọng như thể của Kiyômôri. Âm mưu của họ bị lộ, và Narichika, Xaiđô và Sunkan đã phải chịu cực hình trước khi chết. Thế nhưng đây chỉ là những cực hình nhẹ hơn so với những cực hình chờ đợi dòng họ Hâykê. Còn con người đức độ Sighêmôri, người tha thiết tìm kiếm thế giới bên kia, thì đã chết trong khi dòng họ Hâykê vẫn còn hưng thịnh. Không hiểu tí gì về địa ngục sắp tới, Kiyômôri đã cho thải hồi rất nhiều quan thượng thư và các quan lại khác trong triều đình, nắm toàn bộ quyền bính của triều đình Gô-Sirakawa, giam lỏng hoàng đế trong lâu đài biệt lập ở Tôba, giết chết hoàng thân Môchihitô và Yôrimaxa, và đốt các chùa Kôfuku. Tôđai và Mii-Đêra. Không còn thần phật nào có thể cứu được cõi đời này. Bám lấy tham vọng quyền lực và cam chịu lửa thiêu của địa ngục, Kiyômôri đã chết một cách đau đớn. Từ đó về sau, những cực hình của địa ngục đã đến với gia đình Hâykê với một nhịp độ nhanh hơn. Trong chương của lời bạt, Kênrâymôn-In, con gái của Kiyômôri đã nói tới tất cả những điều đau khổ mà bà đã chứng kiến và trải qua Lục đạo (Con đường qua Sáu cửa ải). “Nam mô A-di-đà Phật”, tiếng tụng kinh của bà trở thành một tiếng kêu thét từ chốn sâu thẳm của đêm đen.

Đạo Phật bao trùm trong truyện rõ ràng là cách diễn giải của Hônên về niềm tin ở cõi Tịnh Độ. Hoàn toàn ngược lại với tín người thời đầu đời Hâyan cho rằng thiên đường có thể tồn tại trên trái đất, niềm tin xuyên suốt những thời kỳ sôi động của Truyện kể Hâykê là: niềm hy vọng duy nhất của con người nằm ở bên ngoài cõi đời này, ở cõi Tịnh Độ.

Những nguồn gốc của văn bản Truyện kể Hâykê

Là một tác phẩm văn học truyền miệng, có nhiều tác giả, các mẩu chuyện trong truyện này là những mảnh chắp vá rời rạc, thiếu sự thống nhất, mà ta vẫn gặp trong văn miêu tả hoặc hùng ca. Một số huyền thoại và truyền thuyết tạo nên cái nền móng làm phong phú và hỗ trợ thêm cho cốt truyện. Việc kể chuyện dĩ nhiên là phải có nhắc đi nhắc lại, cũng như bất cứ một sự trình bày bằng miệng nào phải có, nhằm gây ấn tượng cho người nghe. Tóm lại, Truyện kể Hâykê  có thể được so sánh như một sản phẩm thêu ren, trong đó những sự kiện lịch sử chạy theo chiều dọc, còn những đoạn trữ tình thì chạy theo chiều ngang. Sản phẩm cuối cùng là một sự cân đối đáng khâm phục giữa những chiến công vàng son của những võ sĩ dũng cảm và những âm điệu nhẹ nhàng của thuyết lý đạo Phật và thế giới bên kia.

Một trong những hình dáng đầu tiên về nhà sư chơi đàn tì bà có thể tìm thấy được trong Cuốn sách về Akasi, trong Truyện kể Ghêngi, cuốn sách này mô tả cha của Nàng Akasi đã bắt chước nhà sư chơi đàn tỳ bà để  mua vui cho hoàng tử Ghêngi. Những sự mô tả như vậy đã chứng minh rằng các nhà sư chơi đàn tỳ bà đã sống ở hồi đầu thời kỳ Hây-an. Được các chùa chiền, đền miếu thuê làm nhạc công, và có địa vị thấp kém là kẻ hầu hạ, có lý họ bị yêu cầu hát, có đàn và sáo trúc đệm theo, để xưng tụng Phật thánh. Nhiệm vụ thứ hai của họ là giải trí cho đám khán giả với những câu chuyện tôn giáo. Bị mù, các nhà sư tỳ bà được người ta tin là họ có pháp thuật, và họ được sử dụng như những người trung gian để nói chuyện với các võ sĩ đã chết trận.

Trong một thời kỳ hoảng vài chục năm, có thể là vào khoảng từ 1180 đến 1230, một số nhà thông thái đã tìm đến núi Hiây làm nơi ẩn náu. Họ đã sống ở đó dưới sự bảo trợ của vị Tăng thống sơn môn Thiên thai là Gichin (hoặc Gi-ên, 1155-1225), một nhà thơ rất thông sách thánh hiền. Trong số họ, có những nhà sư khất thực, ca sĩ Phật ca và các nhạc công. Một số là những nhà quý tộc và võ sĩ đã từ bỏ thế giới trần tục. Núi Hiây do đó là nơi tụ tập người tứ xứ, cũng như là một trung tâm nghiên cứu Phật giáo. Cũng có thể là với sự giúp đỡ của các nhà sư tỳ bà mà một số trong những người này đã sáng tác ra những câu chuyện dựa trên những điều họ đã trải qua.

Trong cuốn “Những bài tiểu luận viết khi nhàn rỗi”, viết khoảng năm 1320, Yôsiđa Kênkô cho tác giả của Truyện kể Hâykê là nhà sư Yukinaga, điều này đã được giới học giả chấp nhận. Sau đây là ý kiến của ông:

“Trong thời hoàng đế thoái vị Gô-Tôba (1180-1239), nguyên tỉnh trưởng tỉnh Sinanô là Yukinaga đã nổi tiếng về học vấn của mình. Tuy nhiên khi hoàng đế yêu cầu ông đọc bài thơ Thất đức vũ (“Điệu múa về bảy đức”) của Bạch Cư Dị, thì ông quên mất hai đức, và thế là ông bị gán cho cái biệt hiệu là “viên quan Năm Đức hàm lục phẩm”. Xấu hổ vì tính hay quên của mình, ông bỏ học và đi tu. Vì Hòa thượng Gichin mến chuộng những người dù thân phận thấp hèn, nhưng có một tài năng nghệ thuật nào đó, nên ông đã giúp đỡ nhà sư Yukinaga.

Yukinaga đã soạn ra Truyện kể Hâykê và dạy cho một người mù tên là Sôbưchư để ngâm ngợi. Yukinaga đặc biệt đã viết rất hay về những cái có liên quan tới núi Hiây. Cũng do ông biết được nhiều về những sự kiện có liên quan đến Yôsichưnê nên ông cũng nhắc nhiều đến người này. Có thể là do ông biết quá ít về Nôriyôri, nên ông đã không đưa nhân vật này vào trong suốt tác phẩm. Còn những điều liên quan đến các võ sĩ và các nghề bắn cung, cưỡi ngựa thì Sôbưchư, dân gốc ở các tỉnh miền đông, đã học được ở các võ sĩ này rất nhiều và kể lại cho Yukinaga để viết ra. Cách mà Sôbưchư hát và kể chuyện đã được truyền lại cho các nhà sư tỳ bà ngày nay”. (3)

Có những tư liệu cho biết là Yukinaga rất giỏi Hán văn. Do chỗ Truyện kể Hâykê là một trong những ví dụ thành công nhất của phong cách viết hỗn hợp chữ Nhật và chữ Hán, cho nên nói Yukinaga là tác giả là có lý nhất. Hơn nữa, việc Kênkô nhắc đến sự giúp đỡ của Gichin đối vớiYukinaga là cũng có lý: Gichin là thành viên của chi Kugiô, của dòng họ Fugiwara, đối với gia đình này thì Yukinaga cũng như cha ông là Yukitaka vốn là môn hạ trước khi đi tu. Hơn thế nữa, sự mô tả nhiều về một nhân vật thứ yếu như Yukitaka (Cuốn 3, Chương XVII) cho chúng ta tin rằng Yukinaga đang trả nghĩa cha mình.

Mặc dù cái văn bản mà Kênkô nhắc đến ngày nay không còn nữa. Tiến sĩ Tômikura Tôkugirô, một trong những học giả nổi tiếng nhất nghiên cứu về Truyện kể Hâykê, cho rằng có thể đã có nguyên bản gồm 6 cuốn, mà sau này trên cơ sở đó người ta đã phát triền thành 12 cuốn như hiện nay, để thích hợp cho các nhà sư tỳ bà kể lại. Người ta cho rằng đã có vài lần sửa lại tác phẩm này trong khoảng thời gian hơn 159 năm giữa lúc soạn Truyện kể Hâykê lần đầu và văn bản của Kakuichi năm 1371 mà ngày nay được chấp nhận là hình thức có căn cứ xác thực nhất. Những lần sửa lại này là những sự kết hợp giữa văn bản viết và văn bản được truyền miệng. Văn bản của Kakuichi trở thành văn bản chuẩn bởi lẽ nó là sự kếp hợp nhuần nhuyễn nhất của cả hai dạng viết và nói. Nó cũng có được sự cân đối giữa những mẩu chuyện về tôn giáo được ưa thích ở kinh đô và những câu chuyện chiến đấu khá phổ biến trong các tỉnh.

Người ta bàn luận nhiều về việc trước khi soạn thảo nguyên bản Truyện kể Hâykê, các nhà sư tỳ bà đã kể câu chuyện này chưa, nhưng đến nay chưa có kết luận nào. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò cốt tử của các nhà sư tỳ bà trong việc soạn ra những văn bản truyền miệng. Chắc chắn là họ rất cần phải thu thập tư liệu thông qua lời kể của những người thực sự đã tham gia vào các sự kiện đã được mô tả. Thế nhưng, cũng không thể xem nhẹ sự đóng góp của những người có học. Dù cho tác giả gốc là ai chăng nữa thì ông ta ắt phải là một nhà tri thức có học vấn cao, có khả năng sắp xếp và tập hợp một đống chuyện kể lại để sáng tạo ra một bản hùng ca đồ sộ như thế (4)

Nghe nói Kakuichi sinh ở tỉnh Harima, phía tây của Oxaka ngày nay, sau khi bị hỏng mắt lúc tuổi mới trung niên, ông quay sang ngâm nga Truyện kể Hâykê để kiếm sống. Ông tới Kyôtô, nơi trung tâm của các nhà sư tỳ bà, trong thập kỷ 1350 – 1360. Sau khi ông qua đời, thời đại vàng son của những người hát truyện Hâykê bắt đầu.

Có tất cả 6 văn bản viết tay mang tên Kakuichi. Văn bản nói chung được chấp nhận là văn bản cuối cùng hiện đang nằm trong thư viện của Trường đại học Ryukôkư ở Kyôtô. Ở cuối văn bản viết tay này có một câu ghi bằng chứ Hán nói rằng, vào ngày rằm tháng ba âm lịch năm 1371, ba tháng trước khi qua đời, Kakuichi đã đọc cho người ta chép truyện Hâykê của ông và truyền lại cho môn đệ của mình là Tâyichi.

Văn bản mà tôi đã dùng để dịch là văn bản trong cuốn Hâykê monogatari, tập thượng, tập hạ (do Takaghi Ichinôxưkê và những người khác biên tập). Đây là một văn bản chuẩn mực, có phê phán, dựa trên những công trình nghiên cứu gần đây nhất về truyện Hâykê của Kakuichi.

Một số đoạn của truyện Hâykê vẫn còn được người Nhật kể lại. Họ thích tác phẩm này không phải chỉ vì nội dung, mà còn vì giai điệu của ngôn ngữ. Tiếng Nhật là một ngôn ngữ âm tiết tính, và có thể chuyển thành thơ khi đặt nó thành những đơn vị có 12 âm tiết, chia thành đoạn 7:5 hoặc 5:7, các đơn vị theo luật thơ và những biến điệu dài hoặc ngắn, thường được những người kể chuyện Hâykê sử dụng. Đó là lý do chủ yếu người ta dùng văn bản này để ngâm kể.

Cùng với Truyện kể Hâykê có nhịp điệu, còn có 97 bài thơ ngắn, gọi là Hòa ca (thơ Nhật) (5), hoặc đoản ca (thơ ngắn). Hòa ca gồm có năm dòng, sắp xếp theo thứ tự 5-7-5-7-7 âm tiết. Có từ thế kỷ 8 đến nay, nó vẫn là dạng cơ bản của thơ Nhật Bản. Để giữ lại đoạn nhịp điệu của bản gốc, tôi đã cố gắng chuyển mỗi hòa ca sang tiếng Anh thành một dạng tương đương, tức là một đơn vị 31 âm tiết, chia thành các cụm từ 5-7-5-7-7. Tôi hy vọng rằng cách làm này sẽ tái tạo lại được cái đẹp trữ tình của những văn bản cổ.

Các tín ngưỡng và phong tục

Các nguyên tắc đạo đức và những sự mê tín

Những nguyên tắc đạo đức chủ yếu thịnh hành thời của truyện Hâykê, bắt nguồn là Thần đạo, đạo Phật và đạo Khổng. Trong ba đạo này, chỉ có Thần đạo là đạo của Nhật. Thần đạo thiếu nhiều yếu tổ của những tôn giáo phức tạp hơn. Đạo này không có chuẩn mực về đạo đức hoặc kinh kệ. Nó chỉ đòi hỏi người ta phải thờ cúng tổ tiên và các thần, những vị thần này, cũng như các thần trong thần thoại Hi Lạp, đại diện cho những lực lượng và hiện tượng của thiên nhiên. Vị thần tối cao của Thần đạo là Nữ thần mặt trời Amatêraxư, bởi lẽ chính bà đã cho con trai là Ninigi nô Mikôtô từ trên trời xuống hạ giới để trị vì. Đứa chắt nội lớn nhất của ông này là Gimmu, hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản. Tín ngưỡng chính của Thần đạo là: dân Nhật là con cháu của các đấng thần linh. Cho rằng người ta bẩm sinh là người tốt, cho nên cũng chẳng cần có những triết lý cao siêu phức tạp làm gì. Về bản chất, người Nhật rất lạc quan, chấp nhận cuộc sống như nó vốn thế và sung sướng bày tỏ lòng biết ơn của họ đối với sự hào phóng của cuộc sống. Đạo Phật, ngược hẳn lại với Thần đạo, nhấn mạnh cái u sầu của thế giới hiện tại và bác bỏ những lạc thú nhất thời. Nó nhấn mạnh cái nghiệp chướng và khích lệ người ta tìm kiếm sự giác ngộ bằng cách từ bỏ cõi trần tục.

Có lẽ khó có thể hiểu được tại sao và làm thế nào mà thần đạo của địa phương và đạo Phật du nhập lại có thể song song tồn tại ở Nhật Bản. Đạo Phật tuy được du nhập từ Trung Quốc và Triều Tiên, song không có ý định gạt bỏ những tín ngưỡng địa phương. Khi tự điều chỉnh cho dễ hòa hợp với các tín ngưỡng địa phương, đạo Phật đã khích lệ niềm tin rằng các vị thần của Thần đạo là hóa thân của các vị Phật và Bồ Tát. Tính chất nhị nguyên đó tồn tại được là nhờ ở tính đơn giản cực kỳ của Thần đạo. Bởi lẽ, nếu thần đạo là một tôn giáo phát triển có triết lý sâu sắc, thì đạo Phật, khi đã được triều đình chính thức công nhận, có thể đã thấy cần thiết phải lấn át Thần đạo. Mâu thuẫn ban đầu giữa Thần đạo và đạo Phật không phải là do sự đụng độ về các nguyên lý, mà là do sự thù địch về chính trị giữa những người ủng hộ hai tôn giáo này. Vào thời điểm của truyện Hâykê thì hai tôn giáo này đang tương hợp với nhau.

Một học thuyết lớn khác đã được du nhập từ Trung Quốc vào Nhật Bản, là đạo Khổng. Ở đây một lần nữa, lại cũng không có sự đụng độ với các tín ngưỡng địa phương, bởi Nhật Bản có truyền thống dễ tha thứ và dễ thích nghi. Chẳng những thế, đạo Khổng còn củng cố Thần đạo, tạo cơ sở tri thức cho đạo này, bằng cách nhấn mạnh việc thờ cúng tổ tiên và sự hiếu thảo trong gia đình. Thực vậy, đạo Khổng đã đóng vai trò rất quan trọng trong nền giáo dục, bởi lẽ vào thời kỳ của truyện Hâykê, việc học hành chính thức có nghĩa là học các tác phẩm kinh điển của Khổng giáo. Trong truyện Hâykê chẳng hạn, ảnh hưởng to lớn của đạo Khổng tới cách suy nghĩ của người Nhật đã được thể hiện hùng hồn trong lời nói tha thiết của Sighêmôri thuyết phục cha là Kiyômôri phải trung thành hơn đối với địch thủ đáng gờm của ông là Tọa quan Thượng hoàng (Cuốn 2, Chương VI). Đoạn đối đáp này cho thấy rõ sự thống nhất tế nhị giữa các tín ngưỡng địa phương với các học thuyết ngoại lai lúc bấy giờ.

Vào lúc này, Nhật Bản dựa nhiều vào những mê tín hơn là những tôn giáo chính thức. Ngoài những tập tục mê tín dị đoan của Thần đạo và đạo Phật, có rất nhiều mê tín khác gắn với ma quỷ ở tại địa phương, bắt nguồn trực tiếp từ văn hóa dân gian của địa phương. Những mê tín dị đoan sẽ được giải thích thêm trong các chú thích khi trong truyện có nói tới.

Những nguyên lý của Trung Quốc về thuyết nhị nguyên âm dương và năm yếu tố của thuyết ấy do tầm quan trọng của nó, sẽ được giải thích vắn tắt ở đây. Khi những nguyên lý này được đưa vào Nhật Bản trong thời Nara (710-781) đã giúp cho việc nhận biết và giải thích vũ trụ, cùng việc xây dựng các thuyết về chiêm tinh. Sau này, trong đời Hâyan, những nguyên lý này đã là cơ sở cho một hệ thống lịch mới. Người dân cũng bắt đầu quan tâm đến ý niệm về một trật tự thần bí kiểm soát những công việc của con người bằng việc hòa hợp những nguyên lý phổ biến về âm (giống cái, tối, lạnh. thụ động, đất, nước, mặt trăng) và dương (giống đực, sáng, chủ động, trời, lửa, mặt trời). Cùng với những sự bói toán thờ cúng của địa phương, tín ngưỡng âm dương đã trở nên phổ biến tới mức triều đình đã phải lập ra Ban Bói toán, các pháp sư âm dương của ban này chịu trách nhiệm đoán điềm gở và điềm lành.

Cũng như đạo Phật và đạo Khổng, thuyết âm dương được đồng hóa vào văn hóa Nhật Bản mà không xung đột gì với các tín ngưỡng địa phương, và vào thời kỳ của truyện Hâykê, nó không còn xa lại gì với người Nhật. Hệ thống lịch âm dương dựa trên cơ sở của một chu kỳ 60 cặp (anh-em) hợp thành từ năm yếu tố (mộc, hỏa, thổ, kim, thủy), và 12 giờ, tính theo các con vật (tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất và hợi). Đây là một cách chính xác và thuận tiện để chỉ ngày cũng nghư năm. Ví dụ, ngày đầu tiên trong năm đầu tiên của một chu kỳ 60 được gọi là giáp tí (“mộc, anh, chuột”), ngày thứ hai gọi là ất tí (“mộc, em, chuột”), vân vân (*). Chu kỳ 60 này được áp dụng vào các công việc của con người cũng như các sự kiện, và việc giả thích một cách hợp lý và huyền bí của chu kỳ có thể tạo điều kiện tiên đoán những sự kiện trong tương lai. Theo cách đó, có những hướng may và không may, có những ngày may và những ngày rủi. Do vậy, đi theo hướng xấu và làm gì trong ngày đen, là điều kiêng kỵ. Sinh đẻ, cưới xin, đi xa, ma chay, vân vân, đều bị hệ thống này chi phối. Bởi thế, ngay cả công việc quốc gia nước sôi lửa bỏng cũng phải đình hoãn lại nếu hệ thống âm dương này không cho phép.

Tất nhiên có những điều kiêng kỵ bắt nguồn từ những lý do khác, có quá nhiều những thứ đã được đề cập tới ở truyện này. Thực vậy. thế giới của Truyện kể Hâykê dày đặc những điều kiêng kỵ và những vật siêu nhiên (6). Người ta thường nói đến chuyện bị ma quỷ bắt và cho đó là lý do ốm đau và chết chóc. Một số những điều kiêng kỵ và mê tín này ngày nay vẫn còn tồn tại ở Nhật Bản. Ví dụ, người ta xem có một số ngày lành có thể làm lễ cưới hỏi, còn một số ngày khác thì người ta thường rất tránh; hướng đông – bắc là hướng xấu; người ta tin rằng một số vị thần của Thần đạo là những con cáo có thể đáp ứng những ai cầu lộc; và vân vân.

Phẩm hàm quý tộc và chức danh trong triều

Dưới đây xin giải thích về hệ thống cai trị vào thời Truyện kể Hâykê. Bộ luật Taikô (Đại Bảo, tên gọi của thời kỳ năm 701 – 704) là cái khuôn khổ luật pháp và hành chính mà trên lý thuyết là có hiệu lực trong suốt thời Hâyan. Giai cấp quý tộc bao gồm hoàng tộc và những người làm việc cho họ. Do sinh ra trong gia đình quyền quý, quý tộc có đặc quyền được nắm những chức vụ trọng yếu trong chính quyền. Ưu tiên nhất là một số ít gia đình gần gũi nhất với hoàng tộc: họ được ban các hàm nhất phẩm, nhị phẩm và tam phẩm. Bộ phận chính của giai cấp quý tộc gồm các quan chức hàm tứ phẩm và ngũ phẩm. Dưới hàm lục phẩm thì sự ưu ái giảm đi nhanh chóng. Mỗi hàm lại có bậc chánh và bậc tòng. Ban đầu các chức vụ trong triều đình mang theo trách nhiệm nói rõ trong các chức danh của họ, nhưng bởi vì phẩm hàm và chức danh ngày càng trở nên cha truyền con nối, thì các chức danh chẳng còn ý nghĩa gì mấy.

Chính quyền trung ương dưới thời hoàng đế được chia thành hai cơ quan chủ yếu: Ban Lễ tiết và Đại hội đồng Nhà nước. Ban Lễ tiết chịu trách nhiệm trông nom các nghi lễ Thần đạo và nắm các đền thờ cũng như việc tổ chức các ngày lễ hội. Đại hội đồng Nhà nước thì trông nom tất cả các công việc cai trị đất nước.

Tể tướng là một chức danh danh dự, dành cho người thầy dạy đạo đức cho nhà vua. Khi không có ai đủ tiêu chuẩn thì vị trí này được bỏ trống. Tả Thượng thư hoặc Hữu Thượng thư là viên quan cai trị chính, chức năng gần giống như thủ tướng thời nay. Với sự giúp đỡ của các vị ủy viên Hội đồng và quan lại của Tả bộ và Hữu bộ, các quan thượng thư nắm 8 cơ quan sau đây: Cơ quan Trung ương, Giáo dục, Cơ quan theo dõi Quý tộc, Cơ quan các công việc dân sự (chủ yếu là đất đai, dân số và thuế khóa), Chiến tranh, Tư pháp, Ngân khố và các công việc của Hoàng gia. Do việc quản lý mang tính cha truyền con nối của các nhà quý tộc, hầu hết các cơ quan này trở nên hữu danh vô thực trong thế kỷ 9. Kết quả là, lại có thêm một số cơ quan mới được lập ra – Ban Lưu trữ, Ban Thanh tra Cảnh sát và Cơ quan kiểm tra tài chính. Các quan thủ thư có nhiệm vụ giữ gìn những tài liệu giấy tờ bí mật ở Cung vua, nên dần dần đã nắm quyền kiểm soát cả các công việc hành pháp và lập pháp của Cơ quan Trung ương. Các thanh tra cảnh sát được giao nhiệm vụ bắt bớ những kẻ chống đối, đã nhanh chóng trở thành một thế lực mạnh, đủ để nắm giữ những công việc tư pháp và quân sự. Các quan chức kiểm tra tài chính được trao nhiệm vụ kiểm tra các tài khoản của các tỉnh trưởng, nhưng họ đã lấn át chức năng của những người thường xuyên theo dõi thu chi của triều đình. Trong các tác phẩm văn học thời Hâyan, các nhà quý tộc và võ sĩ được nhắc tới với các phẩm hàm và chức tước thay cho tên gọi của họ. Song để tránh nhầm lẫn, tôi đã làm khác đi một chút là dùng họ của những người này cộng với chức danh đã được đơn giản hóa, để cho dễ đọc và rõ ràng.

Chức danh của phụ nữ

Chế độ đa thê được chấp nhận dưới triều Hâyan, và vì thế có tục lệ là một hoàng đế sẽ có một hoàng hậu, các cung phi và cung nữ. Những người này không phải chịu trách nhiệm gì trong triều đình. Ban đầu hoàng hậu là người vợ cả của vua, nhưng càng về sau, trong triều Hâyan vị trí thực sự của Hoàng hậu càng sút kém, mà một cung phi được vua yêu nhất sẽ dành được địa vị cao hơn hoàng hậu. Các phụ nữ khác trong triều, gọi là các nội tì, được chia làm ba bậc. Bậc cao nhất gọi là Đại Nội tì. Con gái của những nhà quý tộc cấp cao thì được hàm nhị phẩm hoặc tam phẩm triều đình. Chức danh tôn kính của cựu hoàng hậu, hoặc của quận chúa dòng dõi hoàng tộc, được gọi là Nữ viện (Mẫu hậu), và sau tên riêng của những người này có thêm chữ – in, ví dụ như bà Bifukumôn-In hay Kênrâymôn-In.

Cấp bậc và chức danh của tăng lữ

Cấp bậc và chức danh tương ứng với cấp bậc và chức danh của các quan chức dân sự đã được triều đình phong cho các nhà sư tùy theo trình độ học vấn, đức độ và pháp thuật. Nhưng đến cuối đời Hâyan, thì các cấp bậc và chức vụ đó chỉ còn tính chất danh dự mà thôi chứ không còn chức năng hành chính nữa:

Cấp bậc

Chức danh

Địa vị trong triều đình

Bậc nhất: Pháp ấn [Con dấu của Pháp luật nhà Phật] – Đại tăng chính Hàm tam phẩm
– Tăng chính  
– Quyền tăng chính  
Bậc nhì: Pháp nhãn [Con mắt của Pháp luật nhà Phật]   Hàm tứ phẩm

Ngoài những cấp bậc và chức danh này, một số cao tăng được kính trọng mang những tên gọi đáng kính, như Thánh Nhân hoặc Đại Sư, ví dụ như Hônên Thánh nhân, hoặc Sinran Thánh nhân. Đại sư thường được triều đình truy phong sau khi chết. A-già-lê nghĩa đen là “thầy”, được dành cho các bậc cao tăng của hai tông phái Thiên thai và Chân ngôn.

Quần áo

Các nhà quý tộc mặc đồ lụa, còn thường dân mặc vải bông hoặc vải gai. Quần áo của họ không khác bộ Kimônô ngày nay là bao, có điều là họ mặc rộng hơn. Các nữ quan mặc nhiều lớp kimônô sặc sỡ, thường pha nhiều màu và nhiều thứ vải khác nhau. Cách ăn mặc của các quan và võ sĩ sẽ nói rõ trong phần Phụ lục.

Giáp trụ và vũ khí

Giáp trụ chiến trận được làm từ những mảnh thép hoặc da nhỏ hình chữ nhật, khâu với nhau bằng chỉ màu hoặc dây da, để chúng xếp lại như hình vẩy cá. Nói chung có hai loại, Yoroi (áo giáp có vai) và haramaki (áo giáo không vai). Giáp trụ của tướng được coi là của thần linh trao cho. Bởi thế, một bộ giáp trụ được gia đình hoàng tộc giữ gìn qua nhiều năm, cho tới khi nó được trao lại cho Xađamôri, cháu sáu đời của hoàng đế Kammu (737-806). Về sau, bộ áo giáp này được truyền lại, cùng với một thanh kiếm, cho người con cả của dòng họ Hâykê. Mũ giáp gồm có hai phần, phần làm như chiếc gáo bằng sắt hoặc bằng da vừa đầu người và phần thứ hai che cổ.

Mặc dù người ta không biết rõ ngành luyện kim đã phát triển ở Nhật Bản vào lúc nào và như thế nào, song kỹ thuật đúc kiếm dưới triều Hây an đã vượt xa bất cứ kỹ thuật của nước nào khác thời đó. Kiếm được coi là thiêng liêng, cho nên trước khi rèn và tôi kiếm, người luyện kiếm phải làm lễ tẩy uế, và khi làm phải mặc bộ cà sa trắng của nhà sư. Thanh kiếm cũng tượng trưng cho danh dự của nhà võ sĩ. Câu liêm dùng để giật chân đối phương thường do bộ binh sử dụng.

Lương thực thực phẩm

Gạo là lương thực chủ yếu. Gạo được trộn lẫn với bột mì, kê và rau, nấu thành cháo đặc. Lương thực phụ là rau, cá, cua, ốc, rong biển và chim chóc. Những loài cá người ta thích nhất là cá chép, cá hồi, cá vện và cá péc-ca. Loài chim được người ta thích là gà lôi và sếu. Đường được lấy ra từ quả khô. Các gia vị khác là muối, tương, hạt tiêu, gừng và tương hạt cải. Dầu ăn thì có dầu vừng và dầu lạc. Mỗi ngày ăn hai bữa, buổi sáng vào 10 giờ và buổi chiều vào 4 giờ. Rượu mạnh chủ yếu là rượu xakê. Tục lệ uống chè chỉ phổ biến từ thời kỳ đầu của triều đạiKamakura(1185-1333).

Kiến trúc

Những nguyên tắc kiến trúc thời đó về cơ bản giống như những ngôi nhà truyền thống của người Nhật ngày nay. Một ngôi nhà chủ yếu chỉ có một phòng, được ngăn làm hai phần bằng cửa gỗ lùa, màn che, thảm che hoặc rèm. Mái nhà của nhà quý tộc được lợp bằng vỏ cây bách, còn của thường dân thì lợp bằng rơm rạ, cỏ hoặc gỗ. Đồ dùng bên trong thì cũng đơn giản: Chiếu rơm chỉ trải lên chỗ sàn nhà dùng để ngồi.

Nhà cửa của một người quý tộc bắt chước cung điện của vua chúa, gồm có 6 gian sang trọng, có lối riêng ra hành lang. Trong sân nhà có một mảnh vườn: có núi non bộ sắp xếp hài hòa với cây cối, cỏ hoa cho có vẻ như cảnh sắc thiên nhiên thật. Có nhà riêng cho đám vệ sĩ và tay chân thân tín, tường cao bao bọc xung quanh và cổng ngõ chắc chắn để phòng vệ.

Nhà của các võ sĩ đạo cũng tương tự như nhà của giới quý tộc.

Giờ

Một ngày 24 tiếng được chia thành 12 giờ, mỗi giờ hai tiếng, mỗi giờ do một con vật cầm tinh.

Lịch

Cho đến năm 602, Nhật Bản vẫn chưa có lịch, năm đó một nhà sư Triều Tiên tên là Kanrôkư đã đưa hệ thống lịch Trung Quốc vào Nhật. Sau đó, năm 861, Nhật Bản lại theo một thứ lịch khác của Trung Quốc, do nhà Đường đặt ra vào năm 822. Lịch này dựa vào sự tròn khuyết của mặt trăng, một tháng gồm 29 hoặc 30 ngày và một năm có 354 ngày. Để khắc phục chỗ chênh nhau này, lịch này cứ 2 năm lại thêm một tháng nhuận, hoặc tám năm thêm ba tháng nhuận. Trên thực tế, lịch nhà Đường sớm hơn lịch ngày nay khoảng 1 tháng, bởi thế trong truyện, một vài chỗ có vẻ như giải thích sai năm tháng, niên đại, ví dụ hoa tàn và lá xanh vào cuối tháng ba âm lịch.

Tuổi tác được tính theo truyền thống của người Nhật tức là khi vừa ra đời đứa bé đã được tính là lên một tuổi và mỗi ngày Tết lại thêm một tuổi.

Leave a comment