Truyện kể Hâykê – Cuốn 1 – Chương II

CHƯƠNG II

Âm mưu ám sát trong triều

Khi Tađamôri làm tuần phủ tỉnh Bizên, để kiếm cách làm quen với Thượng hoàng Tôba (1), ông đã xây ngôi chùa Tôkưgiôgiu. Tại chùa này, ông xây điện chính dài 33 kên (2), trong đó đặt 1001 pho tượng Phật. Lễ khánh thành được tổ chức vào ngày 13 tháng 3 nguyên niên thời Tênsô (1131). Để thưởng công cho lòng mộ đạo này, lúc đầu Thượng hoàng định ban cho ông thêm một quận nữa, nhưng sau vì chức tuần phủ tỉnh Tagima còn khuyết, ông được bổ vào chức ấy. Ngoài ra, Thượng hoàng còn thi ân cho ông được vào tuần kiến (3). Lúc đó, Tađamôri 36 tuổi và đây là dịp đầu tiên được vào cung vua. Các quan lại quý tộc khác ghen tỵ với ông và họ âm mưu ám hại ông vào đêm cuối cùng của tiệc Bạch y vũ (4) mừng vụ gặt, tổ chức ở cung vua, nhằm vào ngày 23 tháng Chạp năm ấy.

Khi Tađamôri biết được âm mưu này, ông phòng bị cẩn thận và nói rằng: “Ta không phải là phường văn quan, mà sinh ra từ một dòng dõi võ quan. Thật là hổ thẹn cho dòng máu tổ tiên nếu như ta sa vào tay chúng và chết nhục nhã như thế. Ngạn ngữ có câu rằng, kẻ nào càng sống được lâu thì càng phò tá cho thiên tử được nhiều”.

Khi vào cung vua, Tađamôri nhét vào trong áo lễ phục một thanh đoản kiếm cố tình để lộ cho người ta thấy. Có một lúc giả như lơ đễnh, ông rút thanh kiếm ra đưa lên ngang đầu và dưới ánh lửa, sắc kiếm sáng loáng, tương phản với màu tóc đen nhánh. Mọi ánh mặt ngầm dõi theo hành động ấy.

Gần đấy, Iêxađa, thuộc hạ của ông ngồi trịnh trọng trong sân rồng. Iêxađa là đội trưởng đội thị vệ Tả cung, hắn là con trai của Xuêphuxa và cháu trai của Xađamichư dòng họ Taira, trợ tá của viên quan coi việc sửa chữa cung điện cũng là dòng dõi họ Taira. Iêxađa mặc một bộ giáp trụ mỏng có riềm các ngù bằng lụa, bên ngoài khoác bộ đồ săn màu xanh nhạt, bên người đeo một thanh kiếm và một bao cung tên. Viên quan trông coi việc lưu trữ của triều đình nghi ngờ viên tỳ tướng của Tađamôri, ra lệnh cho một trong những tên lính đi theo hắn đến gần Iêxađa.

“Mày là ai? Thằng kia, cái thằng mặc bộ đồ đi săn kia, thằng ngồi cạnh ống máng, gần dây rung chuông kia. Thằng thích khách kia, đứng dậy”.

Vẫn giữ tư thế ngồi một cách trịnh trọng và chăm chú, Iêxađa đáp rằng: “Tôi được bảo rằng, chủ tôi ngài tuần phủ Bizên sẽ bị người ta hãm hại đêm nay. Tôi phải ngồi đây chờ để được nhìn tận mắt xem chủ tôi sẽ bị hại như thế nào. Tôi không thể rời khỏi đây”. Thế là vì không nắm chắc, những kẻ âm mưu ám sát đành phải dẹp bỏ kế hoạch của mình đêm ấy. Nhưng khi Tađamôri, theo lệnh của Thượng Hoàng ra nhảy múa, thì giới quý tộc lại ứng khẩu lời hát mới thay cho bài ca của điệu nhảy để trêu ông, hát rằng: “Rượu xakê của tỉnh Izê chua như dấm” (5).

Đường đường chính chính thì phải công nhận rằng gia đình Hâykê là con cháu của Hoàng đế Kammu. Thế nhưng đã lâu họ không lai vãng đến kinh đô và chỉ chúi vào công việc ở tỉnh, cho nên chẳng ai ở triều đình biết họ. Vì gia đình Hâykê sống lâu ở tỉnh Izê, cho nên Tađamôri mới bị xỏ xiên bằng kiểu chơi chữ giữa rượu xakê và dấm (6). Hơn nữa, Tađamôri lại có đôi mắt lác thành ra kiểu chơi chữ ấy lại cũng hợp.

Không biết trút nỗi giận vào đâu, Tađamôri phải bỏ về trước khi cuộc vui chấm dứt. Trước khi rời điện Sisin (7), ông gọi một cung nữ tới và trước mặt bá quan văn võ, rút thanh đoản kiếm trao cho cô. Iêxađa ra đón ông và hỏi ngay: “Thưa chúa công, có chuyện gì vậy?”

“Không có chuyện gì đặc biệt cả”. Tađamôri vừa trả lời vừa cố nén cơn giận đang bùng lên. Ông e rằng nếu để cho Iêxađa biết sự thật thì hắn sẽ nhảy vào cung điện mà làm loạn lên.

Trò vui trong dịp lễ hội hàng năm ở triều đình gồm một số bài hát và điệu múa kích động lòng người, như điệu “giấy trắng”, “giấy đỏ”, “cây bút lông” hoặc “cây bút Tômôê” (8). Một thời đã lâu, có một lãnh chúa tên là Xuênaka, Phó Tỉnh trưởng Đazai (9). Nước da của ông đen đến nỗi người ta gọi ông là Hắc bì Tuần phủ. Sau này khi ông được bổ làm quan coi sóc việc lưu trữ của triều đình, ông được lệnh ra nhảy nhân một cuộc hội lễ của triều đình. Với ông, đám khán giả cũng không tha, cũng thêm thắt vào bài ca để hát lỡm ông: “Ôi, cái đầu  (11) của lão da đen, đen làm sao! Kẻ nào đã bôi ông ta đen đến thế?”

Khi quan cựu tể tướng Tađamaxa, còn được gọi là Kaxan-nô-In, còn là một đứa trẻ mồ côi cha, lên 10 (bố ông là Phó quan Hội đồng hoàng gia Tađamunê), ông đã được gia đình Phó quan Hội đồng khác là Iênari nhận làm con nuôi. Lúc đó Iênari cai trị tỉnh Harima, và ông đã làm hư hỏng đứa con nuôi vì đã nuông chiều nó một cách mù quáng. Tađamasa cũng bị trêu chọc trong một dịp hội lễ: “Gạo Harima, đuôi ngựa, hay là átpêra đã đánh cho mày bóng loáng đến thế?” (12)

Khi Tađamôri bị xỏ xiên như thế, nhiều người nói rằng: “Cứ cho là không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra vì những lời xỏ xiên khiêu khích đó, nhưng khó mà nói được rằng chuyện gì có thể xảy ra trong những lúc loạn lạc này, khi mà người ta đã quên đi những phép tắc đạo đức của nhà Phật” (13)

Lúc lễ hội kết thúc, như mọi người đã dự kiến, đám quý tộc đồng thanh tâu lên Thượng Hoàng: “Theo lệ của triều đình, khi một người được phép tham dự lễ hội chính thức, chỉ được phép mang thanh gươm dùng cho cuộc lễ cũng như khi ra vào cung cấm, thì phải cực kỳ tôn trọng phép vua. Nhưng thần tử Tađamôri thì ngược lại, mang theo vệ sỹ và tên vệ sỹ đó lại mặc quần áo của người đi săn. Thần tử Tađamôri đã biện bạch cho sự có mặt của tên vệ sỹ này bằng cách nói dối rằng hắn là truyền nhân của mình và cho phép hắn túc trực ở sân rồng. Tệ hơn nữa, Tađamôri còn đeo gươm khi ngồi lẫn lộn với chúng thần ở trong cung điện. Tội này lại càng nghiêm trọng vừa không theo phép vua, lệ nước, vừa tỏ ra ngông nghênh, láo xược, trước nay trong lịch sử chưa bao giờ có ai dám thế — thật là tội này chồng chất lên tội kia. Bởi vậy chúng thần xin tâu phải trị tội hắn, phải bêu riếu tên tuổi của hắn, và vĩnh viễn bãi chức hắn và cho đuổi về quê quán”.

Thượng Hoàng vô cùng ngạc nhiên và cho triệu Tađamôri đến để tra hỏi. Tađamôri tâu rằng: “Muôn tâu Thượng Hoàng, trước hết thần không biết tí gì về việc tên đệ tử của thần đã ngồi chờ ngoài sân rồng. Thế nhưng, có tin đồn là người ta có âm mưu ám hại thần, nên tên gia nô cũ của hạ thần có lẽ biết được chuyện này. Hắn đã bí mật theo thần, chắc là muốn cứu thần khỏi một cái chết nhục nhã . Việc hắn làm, thần không biết, nên không ngăn được. Thần xin tuân theo ý muốn của Thượng Hoàng, nếu Người muốn trừng trị hắn, hạ thần sẽ cho bắt hắn và đưa hắn đến đây để Người trị tội. Kế đó, về chuyện thanh kiếm, thần đã đưa nó cho một cung nữ và bây giờ kẻ hèn mọn dám tâu xin lượng bề trên cho hỏi lại, thần xin chờ sự phán quyết của đức Thượng Hoàng sau khi Người đã cứu xét.”

Thượng Hoàng chấp nhận lời thỉnh nguyện của Tađamôri, truyền cho mang thanh kiếm tới và rút ra xem. Té ra vỏ kiếm phủ lớp sơn mài màu đen, còn lưỡi kiếm làm bằng gỗ có tráng lớp bạc bên ngoài (14).

Thượng Hoàng liền phán rằng: “Tađamôri, để tự vệ khỏi bị tấn công bất ngờ mà ngươi chỉ mang một thanh kiếm gỗ làm giống như cây kiếm sắc. Dự tính của người thật đáng khen ngợi. Một người theo nghề binh nghiệp có quyền cư xử như vậy. Hơn thế nữa, đối với tên để tử của ngươi túc trực ở sân rồng, đó là hành động của một đệ tử trung thành, phù hợp với tập tục của ta. Tađamôri, ngươi vô tội”.

Thế là trái với sự mong đợi của giới quý tộc, Thượng Hoàng không những không trừng phạt mà còn khen ngợi Tađamôri.

Chú thích:

1. Đời vua thứ 74 (1107-1123). Năm 1123, ông nhường ngôi cho con là Xuiôkư, và năm 1129 , khi ông nội ông là Sirakaoa chết, ông lại ra nắm quyền bính với tư cách Hoàng đế ở ẩn. Năm 1141, ông buộc Xuiôkư phải nhường ngôi cho Kônôê, đứa con của một cung phi mà ông sủng ái, tên là Biphukumôn-In. Năm 1155, khi Kônôê chết, Tôba đưa một người con khác là Gô-Sirakawa lên ngôi, làm Xutôku bất mãn, dẫn đến cuộc nổi loạn Hôghên, năm 1156. Lòng tham của cải của Tôba khiến các quan tuần phủ các tỉnh chán ngán, quay lưng lại triều đình và tìm chốn nương náu dưới lá cờ của dòng Ghêngi và dòng Hâykê.

2. Một kên thật ra dài khoảng 2m. Nhưng khi nói về căn điện thờ này, thì một kên là khoảng cách giữa hai cây cột.

3. Quý tộc từ ngũ phẩm trở lên và những người hầu hạ trong cung vua có hàm lục phẩm thì được phép ra vào điện Tịnh Lương, nơi ở của Hoàng đế trong hoàng cung.

4. Triều đình thường mừng vụ gặt mới trong vài ngày với nhiều trò vui, như hát dân ca và múa bạch y và (xem đầu chương VI) theo các điệu imayô (thơ 4 câu 12 vần), bugaku, xaibara, v..v..

5. Đây là cách dịch của một lối chơi chữ còn có nghĩa là một người thuộc dòng Hâykê ở Ixê (tức là Tađamôri) là người mắt lác.

6. Rượu xakê và dấm đều là đặc sản của tỉnh Ixê.

7. “Tử nội điện” (Nội điện màn tím), thường dùng cho những dịp quan trọng như lễ đăng quang, dịp tết năm mới v..v..

8. Đây là tên những bài hát mà giới quý tộc, quan lại hát trước mặt vua. Một số văn bản về truyện Hâykê cho biết rằng trong những điệu múa theo những bài hát này thì tay áo và tà áo của vũ nữ quay cuồng mỗi lúc một nhanh đến nỗi trong những vũ nữ lúc đầu như những tờ giấy trắng bay phấp phới, sau đó giống như giấy tím sẫm, rồi lại giống như cây bút vẽ có tô điểm hoa văn tônôê, tức là có hai nét phẩy, nét lên, nét xuống, quấn lấy nhau.

9. Một trung tâm đặc biệt của chính quyền đặt ở Đazai, nằm trong đất liền, cách vịnh Hakata chỉ vài dặm, phía Bắc Kyusyu, kiểm soát cả 9 tỉnh ở vùng Kyusyu (Cửu châu).

10-11. Cả hai từ này đều được dùng bằng chữ đầu, có nghĩa là “người đứng đầu” hoặc “cái đầu”.

12. Gạo Harima nổi tiếng ở Nhật. Khi thổi cơm, nó óng ánh như bạc. Atpêra là một loại cây có lá ráp. Những lá này dùng làm giấy ráp để đánh bóng.

13. Theo thuyết nhà Phật, đức tin Phật giáo trải qua ba giai đoạn, mỗi giai đoạn trải qua một ngàn năm. Sau ba giai đoạn này, đạo Phật sẽ mất đi. Vào thời kỳ viết truyện kể Hâykê này, người ta tin rằng đã đến giai đoạn cuối. Do đó, người ta chấp nhận sự lộn xộn trong xã hội, vì cho là do đạo Phật đang chết đi. Vì vậy lúc này có sự hỗn loạn về tinh thần cũng như về chính trị.

14. Phủ lớp ngân nhũ và quang dầu ra ngoài.

Leave a comment